Ba điều để dạy con

Môi trường, làm gương, thưởng phạt là ba điều quan trọng nhất để dạy dỗ một đứa trẻ, xếp theo đúng thứ tự trên.

Có những đứa trẻ thiếu sự dạy dỗ của bố mẹ, cũng không được bố mẹ hay người nhà làm gương nhưng vẫn có thể thành đạt. Đấy là do môi trường.

Môi trường ở đây là tất cả những gì đứa trẻ tiếp xúc hàng ngày, kể đến gia đình, bạn bè, nhà trường, các chương trình TV, Internet…, những cảnh tượng chúng chứng kiến, nghe thấy… Chúng ăn gì từ môi trường thì sẽ nhả ra cái đó. Những bố mẹ bận bịu không có quá nhiều thời gian chăm sóc cho con cái nên đặc biệt chú ý đến môi trường xung quanh của trẻ. Tách trẻ khỏi những tác nhân xấu, đặt chúng vào trong những môi trường tốt, để chúng tự tương tác, cảm nhận, học tập… Về sau khi chúng tự do hơn, chúng sẽ dần tiếp xúc với các môi trường độc hại nhưng đó là khi chúng đã quen với những thứ tốt đẹp, coi những thứ tốt đẹp là một phần của chúng rồi, thì sẽ có thể tự điều chỉnh.

Điều tuyệt vời nhất để dạy dỗ một đứa trẻ là bố mẹ có thể làm gương cho từng thứ. Nếu bố chửi bậy với mẹ trước mặt con mà bắt con nói lời hay ý đẹp thì con không nghe. Nếu mẹ bề bộn nhưng lúc nào cũng bắt con phải làm việc quy củ thì con cũng không nghe. Vì về cơ bản, từ ngữ với trẻ con chỉ là cái hộp rỗng, ý nghĩa của từ thế nào được phản ánh bởi hành động của bố mẹ. Nếu mẹ nói hãy tập trung học bài nhưng khi nó nhìn mẹ hết ăn bánh trái rồi lướt điện thoại khi làm việc, có thể nó hiểu “tập trung” là “ăn bánh và lướt điện thoại”. Trẻ nhỏ thường rất thần tượng bố mẹ, thích được bố mẹ khen và thích làm theo. Nếu bố mẹ làm gương được, nhiều khi không cần nói quá nhiều.

Thưởng phạt là biện phát mà bố mẹ hay áp dụng để rèn nắn con cái. Các biện pháp từ nặng đến nhẹ, từ lời nói đến hành động, từ tâm lý đến thể chất… Các biện pháp này như thuốc Tây trị bệnh, nhanh và hiệu quả nhưng không cải thiện được sức khỏe hoặc nâng cao thể chất về lâu dài. Cũng không nên lạm dụng. Chẳng hạn cứ thấy con giỏi thì thưởng, con yếu kém thì phạt… Cuối cùng đứa bé học vì phần thưởng và hình phạt. Sẽ thế nào nếu nó không thích phần thưởng và cũng không sợ hình phạt nữa? Câu chuyện sẽ quay trở lại là, nó sẽ học vì nó thực sự tăng thêm “giá trị” của mình thông qua việc học, thấy thích thú, thấy tò mò… Thưởng phạt luôn có tác dụng, cũng hiệu quả. Nhưng phải trên nền tảng môi trường tốt và bố mẹ biết làm gương. Nếu không trẻ sẽ học dần cách đối phó.

Tóm lại, số ba là thưởng phạt, thứ hai là làm gương và số một, môi trường.