Sếp tốt đặt nhân viên ở best version của họ

Mấy năm gần đây, mình khá thích đi Aeon. Aeon gây ấn tượng mạnh với nhà vệ sinh sạch sẽ, nghệ thuật. Đồ ở Aeon tương đối rẻ, được bày trí hiện đại, bắt mắt. Không gian đủ chật để người ta cảm thấy đông đúc và đủ rộng để không hỗn loạn. Đội ngũ dọn dẹp làm việc hết công suất để mọi thứ luôn sạch.

Khách đến với Aeon thuộc đủ tầng lớp xã hội, đủ độ tuổi. Họ đi như đi hội, mặc quần áo đẹp nhất trong số quần áo họ có, cư xử lịch sự nhất theo cách họ có thể cư xử…

Ở Aeon nhiều người là best version của họ. Đó là điều mình ấn tượng nhất.
Đối với bất cứ nhà quản lý nào, tạo ra một môi trường để mỗi người trong đó là best version của họ là điều khó nhằn nhưng nếu làm được thì lợi ích sẽ lớn. Đó là nơi thế mạnh được phát huy để che đi điểm yếu cố hữu, mọi người được ghi nhận năng lực theo những cách riêng và luôn cố gắng để cải thiện thêm.

Họ làm được những thứ họ chưa từng nghĩ tới, thoát khỏi định kiến về địa vị xã hội, giới hạn năng lực ám ảnh bấy lâu. Họ tìm kiếm tinh hoa trong con người mình và tận hưởng nó.

Giống như ai đó đi trung tâm thương mại và kể về trải nghiệm đấy với người thân, họ sẽ kể nhiệt thành về những gì mình đang làm, tự hào.
Để tạo được môi trường như vậy, người quản lý cần làm tốt bốn việc.

Đầu tiên là chọn một công việc có ý nghĩa lớn lao hoặc tìm ra được ý nghĩa lớn lao trong công việc, dù thoạt nghe có vẻ tầm thường. Như câu chuyện người quét dọn ở NASA đã nói về nhiệm vụ của mình trong vụ phóng tàu Apolo 11: “Tôi đang góp phần đưa người lên mặt trăng.”

Thứ hai là đẩy mọi thứ tới giới hạn và mở rộng giới hạn của từng người, đầu tiên là của chính mình. Jezz Bezos luôn bắt nhân viên của mình xoay sở trong những cái hộp chật chội, vì ông tin, chỉ khi phải ở trong cái hộp chật chội, người ta mới động não tối đã để thoát ra ngoài.

Elon Musk luôn làm những điều không tưởng, và nhân viên của ông cũng coi chuyện làm việc ngày đêm là bình thường mà không cần Elon phải nói nhiều…Mọi người cần trong cái guồng tư duy, go big or go out.

Thứ ba là ghi nhận công lao xứng đáng. Sẽ là thảm họa nếu bắt một người làm việc như điên như dại, làm được gấp nhiều lần bình thường mà không thể giành cho họ sự tưởng thưởng hoặc ít nhất là trân trọng, ghi nhận xứng đáng.

Nhiều nhà quản lý chỉ nhìn vào sai sót mà không nhận ra sự tiến bộ, không thấy nhân viên đang ở best version của họ. Việc lấy người này so sánh người kia đôi khi là hơi thừa. Nhiều khi nên so sánh mỗi người với chính họ vài quý trước và ghi nhận.

Thứ tư là truyền thông nội bộ. Trong khi truyền thông bên ngoài là rất tốt nhưng tốn kém, đắt đỏ, thì truyền thông nội bộ vừa thiết thực vừa hiệu quả. Truyền thông nội bộ là cách biến những người có công thành ngôi sao, khuyến khích những người còn lại cố gắng hơn. Truyền thông nội bộ giúp mỗi người hiểu được sứ mệnh của mình, ý nghĩa việc mình làm, xem nó tác động lớn lao thế nào đến người khác, kể đến khách hàng, các phòng ban, xã hội…

Một người làm phao cứu sinh có thể sẽ yêu quý công việc của mình hơn khi biết hai mẹ con nhờ nó mà sống sót qua cơn lũ miền Trung vừa rồi…
Làm việc có ý nghĩa lớn, vượt qua chính mình, được tưởng thưởng xứng đáng và tự hào về việc mình làm… ai cũng muốn thế cả.