Chiến thuật đầu tư giảm rủi ro

Trong các kênh đầu tư thì chứng khoán là một trong những kênh vui nhất. Để có được khoảng 7% lãi ngân hàng thì mất 1 năm, với chứng khoán thì có khi mất 1 ngày, kiểu 1 năm hạ giới bằng 1 ngày trên trời. Nhưng trên trời thì cũng dễ ngã.

Mức độ rủi ro là cái giá phải trả cho mọi thể loại lãi suất cao. Rủi ro là cost. Lãi suất là revenue. Bằng cách này hay cách khác giảm rủi ro đi, thì cost giảm, tự dưng profit tăng. Trong long term, đầu tư và quản trị rủi ro không khác nhau mấy. Bác nào mất ít nhất khi tất cả đều mất sẽ tự dưng lãi cao hơn khi mọi người đều lãi.

Trong chứng khoán có nhiều thể loại rủi ro, ngoài rủi ro từ bản thân thị trường, cổ phiếu thì còn kha khá rủi ro từ chính nhà đầu tư, chẳng hạn rủi ro về thiếu thông tin, hiểu biết, margin, về cơ cấu danh mục… Thỉnh thoảng lại rủi ro như sàn đơ…

Cho dù rủi ro thế nào, thì cách quản trị cơ bản nhất là đặt hạn mức cao nhất cho thiệt hại và cut loss bất kể giá nào nếu vượt trần. Giống như để điện chạy ổn định, cầu dao tự động đóng nếu mức tải điện vượt quá mức chịu đựng của hệ thống.

Có nhà đầu tư sẽ cut loss khi thị giá giảm hơn 7%, có người cut loss khi VNI có dấu hiệu giảm mạnh, có người thấy số phiên giảm liên tiếp > 3 + mức giảm trên 7% là cut… Cách nào cũng buồn. Giống như một người phải chọn cách nhảy từ tầng 2 xuống đất khi có đám cháy, vừa nhảy vừa ngó xem có cháy nữa không.

Nhưng có một cách đầu tư trong đó rủi ro được quản trị ngay từ khi xuống tiền, là stock saving. Rải đều tiền đầu tư theo thời gian, hàng tháng, hàng quý… tính chơi lâu dài.

Với cùng một số tiền, nếu cổ phiếu đắt thì mua được ít, nếu rẻ thì mua được nhiều, nên khi lãi thì lãi nhiều mà lỗ thì lỗ ít. Và mức lỗ sẽ được cải tiến theo thời gian khi người chơi giỏi hơn.

Trong 12 tháng, giả sử có 1 tháng mất hết, các tháng còn lại hoà vốn thì lỗ tổng thể là 1/12, tầm 8%. Mức này khó xảy ra vì thị trường có xu hướng tăng, nếu tháng này bạn lỗ, nghĩa là có khả năng mua rẻ, thì tháng sau lãi. Mà lỗ đến cháy tài khoản 1 tháng thì rất khó, đặc biệt khi bạn có nhiều kinh nghiệm.

Có một nhược điểm là, khi bạn kiểm soát đc lỗ thì lãi cũng ít đi. Tức là khi giá cổ phiếu giảm rất sâu như hồi tháng 3 năm ngoái, bạn cũng chỉ có thể xuống tiền 1 khoản nhỏ, tức là lãi không mấy.

Để có thể vừa kiểm soát lỗ, vừa ăn lãi nhiều, cách duy nhất mình biết là đầu tư dài hạn.

Có nghĩa là, thay vì đầu tư theo tháng, bạn gom tiền của 3 tháng lại rồi đầu tư theo quý, mỗi quý sẽ rót đều đặn số tiền của 3 tháng, nhưng rót khi nào trong quý đó thì tuỳ tình hình thị trường.

Khi đủ giỏi và giàu, lại gom tiền của 4 quý lại 1 năm, và rót tiền theo năm, trong 1 năm chỉ được rót tưng đó, nhưng rót khi nào thì tuỳ tình hình thị trường.

Giỏi hơn nữa thì gom tiền của nhiều năm và xuống tiền theo 5 năm một, 10 năm 1. Cỡ Buffet là 10 năm, tương đương 1 chu kỳ kinh tế Mỹ, là khoảng thời gian có 1 vụ khủng hoảng để ông ấy vớt hàng và chờ 10 năm tới.
Trong 10 năm ấy ông ấy sẽ tìm kiếm các khoản đầu tư và rải tiền. Kể cả trong 9.9 năm đầu tiên của 10 năm có thể không rót đồng nào và dồn toàn bộ vào 0.1 năm cuối cùng cho 1 vụ đầu tư của thập kỷ.

Đấy là quân tử gom tiền đợi thời cơ 10 năm có 1 để hành sự. Nhưng phải có tầm cỡ mới làm được.

Nếu tiền đầu tư là tiền nhàn rỗi đều đặn hàng tháng, quý… hãy tập trung vào việc mua thêm thế nào, thay vì lo lắng bán ra làm sao.