Hai “gọng kìm” là dịch COVID-19 và tình trạng giá nguyên liệu cao chưa từng có đang “kẹp” chặt Vinamilk khiến cổ phiếu VNM trượt dốc dài nhiều tháng qua.
Những tháng đầu năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục thăng hoa với thanh khoản kỷ lục, VN-Index vượt đỉnh lịch sử, hàng loạt cổ phiếu bluechip tăng mạnh. Tuy nhiên, nằm ngoài niềm vui chung của thị trường thì cổ đông của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) lại đau đầu vì giá cổ phiếu đi ngược thị trường.
Tính từ giữa tháng 1 tới nay, cổ phiếu VNM đã giảm khoảng 28% xuống còn 91.800 đồng/cp kết phiên 12/5. Hết phiên 12/5, vốn hoá của Vinamilk chỉ còn gần 191.858 tỷ đồng, bị Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) vượt mặt và tụt xuống vị trí thứ 5 trong danh sách vốn hoá trên sàn chứng khoán.
Vấn đề cổ phiếu giảm cũng được cổ đông đưa ra thảo luận trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 và mong muốn lãnh đạo có giải pháp giúp cổ phiếu hồi phục trở lại. Ông Lê Thành Liêm, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Điều hành Tài chính của Vinamilk lý giải đà giảm do nhiều yếu tố khách quan và nội tại.
Xét về yếu tố giao dịch cổ phiếu VNM, có thể thấy khối ngoại đã liên tục đẩy mạnh bán ròng cả về lượng và giá trị từ cuối năm ngoái tới nay.
Hàng loạt quỹ ngoại tỷ USD đã chốt lời và giảm tỷ trọng danh mục đầu tư vào cổ phiếu này trong năm 2020 và đầu năm nay như Arisaig Asia Consumer Fund Limited, Matthews Pacific Tiger Fund, Stichting Depositary APG Emerging Markets Equity Pool, The Genesis Emerging Markets Investment Company.
Trong đó, lý do chốt lời được quỹ Arisaig Asia Consumer Fund đưa ra là Vinamilk tăng trưởng chậm lại những năm trở lại đây, xuống dưới mốc trung bình. Tổ chức này cho rằng điểm bão hòa đang gần hơn so với dự tính ban đầu.
Giá nguyên liệu cao chưa từng có nhưng khó lòng tăng đầu ra
Vinamilk đang phải đối mặt với tình trạng năm 2021, giá nguyên liệu sữa bột đầu vào tăng cao chưa từng có. Không chỉ giá sữa bột mà giá đường cũng ghi nhận tăng mạnh từ năm 2020 kéo biên lợi nhuận gộp quý I của Vinamilk giảm 3,1 điểm % so với quý I/2020 xuống còn 43,6%.
Theo thống kê của người viết, mức biên lợi nhuận gộp của Vinamilk quý I đã xuống thấp nhất kể từ quý IV/2016.
Dù biên lợi nhuận gộp thấp nhất 4 năm qua nhưng nhờ cắt giảm chi phí nên biên lợi nhuận sau thuế của Vinamilk vẫn đạt 19,7%, tăng nhẹ 0,1 điểm % so với cùng kỳ 2020.
Biểu đồ giá sữa bột nguyên kem (whole milk powder) bên trái và giá sữa bột gầy (skim milk powder) bên phải 5 năm qua (Nguồn: globaldairytrade.info).
Quý I ghi nhận cả doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk đều đi lùi. Trong đó, doanh thu thuần đạt 13.190 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.597; giảm lần lượt 6,8% và gần 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ giá nguyên liệu mà dịch COVID-19 bùng phát trong quý I khiến sức mua giảm đẩy doanh số quý I tăng trưởng âm.
Việc tăng giá bán có thể giúp Vinamilk cải thiện phần nào doanh thu khi giá nguyên liệu tăng nhưng bà Mai Kiều Liên, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết tăng giá bán trong bối cảnh dịch COVID-19, nền kinh tế khó khăn chung là việc hết sức đáng cân nhắc. Bà Liên cũng chia sẻ thêm tuỳ tình hình sắp tới ra sao, công ty sẽ quyết định có tăng giá bán hay không và tăng những sản phẩm nào.
Để ứng phó với việc giá nguyên liệu leo thang, doanh nghiệp cho biết vẫn đang theo dõi sát biến động giá nguyên vật liệu, thương thảo và ký kết hợp đồng với nhà cung cấp với mức giá tốt nhất. Một số nguyên vật liệu chính đã được ký hợp đồng mua đến hết quý III/2021, trong đó CEO của Vinamilk cho hay đã chốt giá bán sữa bột tới tháng 6 năm nay.
CEO của Vinamilk cũng dự báo rằng giá tăng bình quân của nguyên vật liệu quý I so với cùng kỳ là không cao nhưng từ quý II là tăng rất cao.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, chỉ tiêu hàng tồn kho tăng gần 32% so với đầu năm lên 6.465 tỷ đồng do tăng mạnh hàng mua đang đi trên đường và nguyên vật liệu trong bối cảnh giá nguyên liệu leo thang.
Có thể nói dịch COVID-19 và giá nguyên liệu cao chưa từng có là “đòn” kép khiến kết quả kinh doanh quý I của Vinamilk tuột dốc, phản ánh một phần vào sự lao dốc giá cổ phiếu.
Năm 2021, Vinamilk cũng đưa ra một kế hoạch kinh doanh thận trọng khi lợi nhuận chỉ tương đương năm 2020, ước đạt 11.240 tỷ đồng. Tại buổi họp ĐHĐCĐ thường niên, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc cho biết kế hoạch thận trọng này bị ảnh hưởng của giá nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào doanh số, sức mua thấp thì lợi nhuận không thể tăng trưởng được.
Nhà máy ở Campuchia, Mỹ tiếp tục khó khăn vì dịch bệnh
Trong quý I, doanh thu thuần ở thị trường nước ngoài của Vinamilk ghi nhận giảm nhẹ gần 2,4% còn gần 2.012 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp thị trường này cũng ghi nhận giảm nhẹ 4 tỷ xuống còn 897 tỷ đồng. Trong khi năm 2020, cả doanh thu và lợi nhuận gộp của thị trường nước ngoài vẫn ghi nhận tăng trưởng nhẹ so với năm 2019.
Với Angkormilk ở Campuchia, dịch COVID-19 đang ảnh hưởng mạnh tới nước này. Thành phố Phnompenh nơi nhà máy Angkormilk của Vinamilk hoạt động, đã bị phong toả từ giữa tháng 4 cho tới tận ngày 6/5 vừa qua do dịch COVID-19.
Bà Mai Kiều Liên chia sẻ với cổ đông rằng Vinamilk đã làm công văn xin chính phủ, sẽ cố gắng xin phép được vận chuyển hàng hoá đi các tỉnh nếu có thể còn không tạm thời sẽ “án binh bất động” cho đến khi dịch bệnh ở Campuchia được kiểm soát.
Năm 2016, Vinamilk chính thức khánh thành nhà máy Angkormilk, nhà máy sữa duy nhất tại Campuchia. Hiện Vinamilk đang nắm 100% vốn Công ty TNHH AngKor Milk với tổng vốn đầu tư gần 21 triệu USD.
Còn với thị trường Mỹ, CEO của Vinamilk kỳ vọng công ty bên Mỹ sẽ trở lại hoạt động bình thường khi mục tiêu của chính phủ nước này là tới tháng 5 sẽ hoàn tất tiêm hết vắc xin cho tất cả người dân.
Driftwood Dairy Holding Corporation, công ty con do Vinamilk sở hữu 100% vốn tại Mỹ là nhà sản xuất sữa có truyền thống lâu đời ở khu vực Nam Cailifornia, đặc biệt trong lĩnh vực sữa học đường. Trong năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của Dritwood gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.
Về kênh xuất khẩu, đây là kênh được lãnh đạo công ty kỳ vọng tăng trưởng lớn bất chấp thị trường nội địa giảm tốc. Quý I, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ 2020.
Doanh số xuất khẩu trong tháng 4 ước tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần của các chi nhánh nước ngoài đạt 864 tỷ đồng, trong đó Angkor Milk tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai chữ số.
Thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân hiện là “mảnh đất màu mỡ” mà Vinamilk đang hướng đến. Tháng 9/2019, Vinamilk chính thức ra mắt thị trường Trung Quốc và tới nay đã xuất khẩu loạt sản phẩm như sữa đặc, sữa hạt sang nước này.
Kỳ vọng mảng bò thịt sẽ tạo bước ngoặt khi mảng sữa đang bão hoà
Nhằm tìm ra hướng đi mới để bù đắp tăng trưởng của mảng sữa, Vinamilk đã hướng tới mảng thịt bò. Tham vọng càng được thể hiện rõ hơn qua qua thương vụ sáp nhập CTCP GTNfoods (Mã: GTN) vào Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTCP (Vilico, Mã: VLC).
Theo kế hoạch ngay sau sáp nhập, Vilico sẽ đầu tư một trang trại bò thịt quy mô khai thác 20.000 con/năm với tổng vốn đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, tổng giám đốc Vinamilk cho biết đang làm thủ tục thành lập liên doanh, giai đoạn đầu sẽ nhập sản phẩm từ Nhật Bản, thử nghiệm bò thịt nuôi theo công nghệ Nhật để giới thiệu tới người tiêu dùng.
Giai đoạn tiếp theo, Vinamilk sẽ đầu tư trang trại bò thịt trên Vĩnh Phúc với công suất và quy mô vốn như đã đề cập ở trên.
Trước đó, đầu tháng 3, HĐQT của Vilico đã thông qua nghị quyết hợp tác với Sojitz Corporation (Nhật Bản) để lập công ty liên doanh tại Việt Nam kinh doanh lĩnh vực bò thịt. Vốn đầu tư ban đầu của liên doanh là 2 triệu USD (khoảng 46 tỷ đồng), trong đó Vilico góp 51% vốn.
Vilico cho biết đây là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển với tổng quy mô thị trường thịt hơn 10 tỷ USD, trong đó thịt trâu/bò hơn 2 tỷ USD và tăng trưởng nhanh nhất trong các nhóm thịt. Xu hướng tăng trưởng thịt trâu/bò 6 – 7% năm, gấp đôi thịt heo, gà,…
Bộ phận phân tích của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định đầu tư chăn nuôi và chế biến thịt bò, là một hướng đi sống còn với Vinamilk sau khi tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận chậm lại do thị trường sữa đã đi vào giai đoạn bão hòa.
Một loạt những tập đoàn thực phẩm lớn nhất Việt Nam như Masan hay Hòa Phát đều nhìn thấy tiềm năng của thị trường thịt nhưng chỉ mới tham gia vào chăn nuôi thịt lợn, gà, cá do thời gian thu hoạch ngắn.
Trong khi đó, chăn nuôi bò cần không chỉ cần lượng vốn lớn hơn mà còn yêu cầu thời gian dài hơn, thức ăn là cỏ có giá trị dinh dưỡng cao.
Do đó Mirae Asset nhận định thịt bò là một thị trường đầy tiềm năng và có “size” đủ lớn để tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển của Vilico và cả Vinamilk trong tương lai.
Ngoài mảng thịt bò thì theo chia sẻ với cổ đông, bà Mai Kiều Liên cho biết phát triển chuỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt có thể trở thành hướng đi trong tương lai của Vinamilk trong 3-5 năm tới.
Quý I, chuỗi cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt tăng trưởng tới hai chữ số trong quý I bất chấp kênh truyền thống, siêu thị không đạt kỳ vọng. Bà Liên giải thích việc chuỗi cửa hàng trên tăng trưởng là do mở cửa hàng mới và doanh số của mỗi cửa hàng cũng tăng.
Số lượng cửa hàng Giấc mơ sữa Việt đã vượt mốc 500 vào cuối tháng 3/2021 (cuối năm 2020 là 475 cửa hàng). Hiện tại, kênh cửa hàng đóng góp khoảng 5% doanh thu nội địa của công ty mẹ và đạt mức tăng trưởng gần 25% trong quý I năm nay.
Theo Vietnambiz