Cơ bản về phân tích kỹ thuật: Chỉ báo kỹ thuật trên đường giá

Tiếp theo bài Cơ bản về phân tích kỹ thuật: Diễn giải một số mô hình, bài này giới thiệu sơ qua về Chỉ báo kỹ thuật dựa vào đường giá, tập trung vào (1) Đường trung bình động (2) Dải Bollinger (3) Chỉ báo dao động (Oscillator).

Đường trung bình động

Đường trung bình động – Credit: Tradingview

Đường trung bình động là đường để “làm mượt” đường giá (vốn “trùng trùng điệp điệp”) từ đó nhận định biến động giá tốt hơn. Mỗi điểm trên đường này được tính bằng trung bình cộng của N mức giá đóng cửa gần nhất. Giá trị của N càng lớn thì đường trung bình động càng mượt, tuy nhiên cũng vì thế không phản ánh hết tính chân thực của biến động giá.

N nên chọn ở mức vừa phải.

Mức giá của một ngày được coi là bước vào kỳ up trend là khi nó lớn hơn giá trị trên đường trung bình động của ngày tương ứng. Điều này được giải thích khá đơn giản: do giá thấp của những ngày trước được tính vào đường trung bình cộng, kéo đường trung bình động thấp hơn so với giá trị chỉ tính đến giá của hôm nay, vốn khá cao. Tương tự như vậy với down trend.

Mở rộng ra, nếu đường trung bình động ngắn hạn (N bé) cắt đường trung bình động dài hạn (N lớn) và vượt lên, có thể hiểu đây là chỉ dấu của uptrend.

Dải Bollinger

Dải Bollinger

Dải Bollinger là vùng mở rộng sang hai bên từ đường trung bình động. Độ rộng của dải được tính dựa trên độ lệch chuẩn của giá đóng cửa trong N ngày gần nhất.

Độ lệch chuẩn biểu thị mức độ dao động của một biến số (ở đây là giá) quanh giá trị trung bình của nó. Một mức giá được gọi là bình thường, nếu nó dao động đâu đó trong một khoảng quanh đường trung bình (trường hợp này là dải Bollinger). Nếu nó cao hẳn lên khỏi khoảng đó, giá được rơi vào vùng quá mua, ở thế chênh vênh và có thể bị kéo xuống sớm, trừ khi có các yếu tố cơ bản hỗ trợ tăng giá rất lớn.

Ngược lại, nếu giá thấp hẳn khỏi dải, nó rơi vào vùng quá bán, phần đông do tâm lý hoảng hốt nhất thời của nhà đầu tư, sẽ có xác suất cao hơn để hồi lại.

Thường thì trader sẽ coi giá ở khoảng dưới dải Bollinger là tín hiệu để mua. Đơn giản vì giá đang thấp hơn trung bình.

Chỉ báo dao động

Chỉ báo dao động (Oscillator) được sử dụng để xác định thị trường quá bán hoặc quá mua. Có thể kể đến một vài loại chỉ báo dao động như: (1) ROC (2) RSI và (3) MACD

ROC (Rate of change oscillator) được tính bằng phần trăm giảm của giá đóng cửa hôm nay so với giá đóng cửa N phiên trước.

ROC – Credit: Investopedia

Trong thời kỳ uptrend, giá ngày mai lớn hơn giá hôm nay, nên nếu giả định hôm nay ở đầu thời kỳ uptrend, giá hôm nay thấp hơn giá N hôm trước, ROC < 0 nhưng ROC của ngày mai sẽ tăng lên do giá ngày mai tăng và khả năng giá của N hôm trước giảm đi (N hôm trước giá đang ở down trend). Cứ như thế đến lúc nào đó ROC tiến đến 0. Khi ROC =0, giá chính thức bước vào thời kỳ uptrend.

Nhà đầu tư thường mua khi ROC biến động từ âm sang dương trong thời kỳ uptrend.

RSI, viết tắt của Relative Strength Index, là chỉ báo động lượng đo lường mức độ thay đổi giá gần đây, được tính dựa trên tỷ lệ T giữa mức tăng trung bìnhgiảm trung bình mỗi ngày của mã trong một khoảng thời gian nào đó.

RSI – Credit: Trading View

T dao động từ 0 đến lớn vô cùng, được chuẩn hóa về khoảng giá trị [0,100] theo công thức RSI = 100 – 100/(1+T). T càng lớn, RSI càng bé và RSI càng tiến về 100, T=0 thì RSI =0. Giá trị của RSI luôn nằm trong khoảng 0 -100, nếu RSI lớn, mức tăng trung bình vượt trội so với mức giảm, tức giá vào uptrend. Ngược lại, nếu RSI bé, mức tăng nhỏ so với mức giảm, giá vào downtrend.

RSI đi ngược chiều với biến động giá (chẳng hạn khi giá vẫn tăng, nhưng mức tăng bị giảm đi, khiến RSI giảm) có thể coi là dấu hiệu của đảo trend, từ uptrend sang downtrend hoặc ngược lại.

MACD, viết tắt của Moving average convergence/divergence, là một chỉ báo đà của trend, thể hiện mối quan hệ giữa hai đường trung bình động số mũ (EMA) của giá: EMA-12 (trung bình 12 ngày) và EMA-26 (trung bình 26 ngày)

MACD – Credit: Investopedia

Trung bình động số mũ của giá coi trọng giá của những ngày gần đây hơn, nên đặt trọng số cao hơn trong công thức. Khoảng cách giữa EMA-12 và EMA-26 có thể dương hoặc âm. Nếu khoảng này đổi dấu, nhà đầu tư nhận diện tín hiệu mua bán. Khi EMA-12 chuyển từ nhỏ hơn sang lớn hơn EMA-26, có nghĩa là mức giá mới vượt lên mức giá cũ, là tín hiệu mua. Ngược lại là tín hiệu bán.

Stochastic oscillator là phương thức để xem mức giá hiện tại đang ở đâu so với đỉnh và đáy gần nhất.

Stochastic oscillator – Credit: Investopedia

Nếu giá càng tiến gần đỉnh thì uptrend, càng tiến gần đáy thì downtrend.

Tóm lại:

  • Đường trung bình động để làm mượt đường giá, tiện cho việc nhận định đà tăng giảm của giá
  • Dải Bollinger xây dựng trên đường trung bình động để phát hiện biến động bất thường của giá (rơi vào quá bán/quá mua)
  • Các chỉ báo dao động biểu diễn sự thay đổi tương đối của giá hôm nay so với giá quá khứ một cách trực quan để trader nhận diện up/down trend cũng như tín hiệu mua bán một cách rõ ràng hơn.

(Bài viết thể hiện ý hiểu của tác giả, không mang tính học thuật)