Phân tích kỹ thuật là một phương pháp phân tích biến động đường giá của mã, xét thêm cả khối lượng giao dịch. Phương pháp này được dùng để chọn thời điểm mua bán mã, hơn là để chọn mã. Mọi sai số đều có thể xảy ra, nên nhà đầu tư chỉ nên coi phương pháp này là nguồn tham khảo. Quyết định đầu tư cần xem xét nhiều yếu tố khác.
Một trong những yếu tố quan trọng của phân tích kỹ thuật là “đà” tăng giảm của mã, từ đó đưa ra quyết định mua bán. Xét thấy đà tăng còn mạnh, nhà đầu tư có thể tiếp tục mua vào. Ngược lại, khi đà tăng yếu dần, mã điều chỉnh, sau bắt đầu giảm, nhà đầu tư có thể bán ra.
Trong mỗi giao dịch luôn có hai đội, một đội bán thường đẩy giá lên (sau gọi là đội đẩy), một đội mua thường dìm giá xuống (đội dìm), tạo ra hai lực đẩy và lực dìm tác động, đưa giá đến các mức khác nhau. Đà tăng hay giảm của giá phụ thuộc vào độ chênh lệch mạnh yếu của hai lực này. Chẳng hạn trong phiên trắng bên bán, lệnh mua ồ ạt, lực dìm yếu ớt, lực đẩy vô song, giá lên kịch trần, đà tăng có thể kéo đến tận phiên sau.
Nếu như lực đẩy lên dìm xuống là “ngoại lực” nắn đường giá, thì các mô hình (pattern) trên đó là hệ quả của việc nắn đó, đồng thời là chỉ báo xu thế tăng giảm giá trong tương lai gần.
Có hai kiểu mô hình chính: Mô hình tiếp diễn và mô hình đảo chiều.
Mô hình đảo chiều chỉ báo xu hướng tăng giảm sẽ đổi chiều, đang tăng thì giảm mà đang giảm lại tăng. Mô hình tiếp diễn chỉ báo không có gì thay đổi, chỉ là tạm dừng chút, giá tăng thì sẽ vẫn tăng tiếp, giảm thì giảm nữa.
Một số mô hình đảo chiều cơ bản có thể kể đến như: (1) Mô hình vai đầu vai (2) Mô hình hai đỉnh và (3) Mô hình ba đỉnh.
Mô hình vai đầu vai gồm một đỉnh cao ở giữa, hai đỉnh con và đường tiệm cận ở đáy đóng vai trò hỗ trợ.
Như ví dụ trên, mô hình mô tả trận đấu giữa đội đẩy giá lên và đội dìm giá xuống, chiến thắng cuối cùng thuộc về đội dìm. Trận đấu có ba hiệp.
Đỉnh thứ nhất mô tả diễn biến hiệp một, khi đội đẩy lần đầu bứt lên, đang hăng, nhưng bị đội dìm cho knockout. Đỉnh ở giữa cao nhất, tường thuật trận đấu khi vào thời điểm cao trào ở hiệp hai, cho thấy đội đẩy phản đòn rất dữ dội, đẩy giá lên cao nhưng sau đó vẫn bị đội dìm đánh xuống, nằm vật ra sàn (đường tiệm cận). Đỉnh thứ ba là hiệp cuối, cho thấy sự bất lực của đội đẩy, sau hai lần vùng lên bất thành. Sau hiệp này, đội đẩy buông xuôi, bị đánh bật khỏi sàn đấu (thủng mức hỗ trợ), giá tụt sâu.
Mô hình ba đỉnh
Mô hình ba đỉnh được hình thành bởi ba đỉnh nằm trong khoảng giá. Đó là ba lần thất bại của đội đẩy liên tiếp tại một ngưỡng giá. Đặc biệt trong lần thứ ba, đỉnh có vẻ thấp hơn, thể hiện tâm lý buông xuôi. Ba thất bại liên tiếp đó tạo ra một rào cản tâm lý, khiến đội đẩy thiên về suy nghĩ giá khó có thể tăng hơn, chấp nhận bán bớt cổ ở mức giá thấp hơn kỳ vọng, tương đương việc đầu quân cho đội dìm, làm giá đi xuống, bước vào down trend.
Mô hình hai đỉnh
Mô hình hai đỉnh hình thành bởi hai đỉnh liên tiếp, sau cùng là một bước trượt dài. Nếu như trong mô hình ba đỉnh, đội đẩy chỉ chịu thua sau ba hiệp đấu khá dài, thì trong mô hình hai đỉnh, đội đẩy thua chóng vánh sau 2 sec và gần như bất tỉnh trong phút cuối của sec 2. Với độ chống trả yếu ớt như vậy, giá nhanh chóng bước vào down trend, và downtrend khá sâu. Trong trường hợp trước khi xuất hiện mô hình 2 đỉnh, giá được đẩy miệt mài lên, và sau đỉnh hai, giá trượt mạnh, thì mô hình càng rõ.
Mô hình tiếp diễn có thể kể đến (1) Mô hình tam giác (Triangle) (2) Hình chữ nhật (Rectangle).
Mô hình tam giác
Mô hình tam giác là khi mức giá cao nhất trong ngày trong xu thế giảm, còn mức thấp nhất có xu hướng tăng, và hai mức này chạm nhau ở đỉnh của tam giác. Ở đáy của tam giác, ban đầu lực đẩy rất thấp, sau tăng mạnh, ngược lại lực dìm ban đầu rất mạnh, sau lại thấp, thành ra mức thấp nhất của lực đẩy và lực dìm trong ngày có giá trị bé. Từ đáy lên đỉnh tam giác, mức giá cao nhất trong ngày giảm đi, tương đương việc lực dìm tăng lên. Ngoài ra, mức giá thấp nhất trong ngày tăng thêm, tức là lực đẩy cũng tăng thêm.
Khi lực đẩy bằng lực dìm, mức giá cao nhất giảm dần về mức thấp nhất, biến động giá trong ngày không đáng kể. Hưởng ứng xu thế đi lên mạnh mẽ từ trước, đường giá sau đó ngóc lên, đập vào ngưỡng cản (là mức giá đỉnh cũ), phá ngưỡng này ngon lành và bứt lên, vẽ ra mô hình tam giác.
Hình chữ nhật
Mô hình hình chữ nhật được tạo ra khi đường giá đập lên đập xuống hai ngưỡng tương ứng hai cạnh trên và dưới hình chữ nhật. Cạnh dưới là đường hỗ trợ (support line), cạnh trên là ngưỡng cản (resistance line).
Sau quá trình va đập, ở gần cuối của hình chữ nhật sẽ thấy xu hướng đường giá chếch dần về phía nào. Nếu đường giá không được đẩy đủ mạnh để còn có thể chạm tới ngưỡng cản thì nó sẽ bị đuối dần xuống, rơi vào down trend. Ngược lại, đường giá phiêu quá, khi giảm chân không chạm tới đường hỗ trợ, thể hiện lực đẩy đang mạnh, giá có khả năng bứt lên, và vượt đường cản trên, rơi vào uptrend.
(Bài viết theo ý hiểu tác giả, không mang tính học thuật)