Văn hóa và cội nguồn

Đứng về mặt văn hoá, thờ cúng nhắc nhở mỗi người nguồn gốc của mình, giải thích tại sao mình hiện tại thế này thế khác. Những người con cháu vua chúa ngày xưa có thể đến nay vẫn giữ phonh cách quý tộc. Những người có ông bà nghèo khó mà giờ thành danh gia vọng tộc chắc vẫn giữ đâu đó ý chí làm giàu.

Dù ít dù nhiều, dù muốn dù không, mỗi người là một phần nối tiếp của thế hệ đi trước, thừa hưởng những tinh hoa và gạn lọc những lạc hậu thế hệ trước để lại. Thế hệ con cháu sau này cũng thế.

Nếu bỏ hết những gì gia đình để lại, làm một con khỉ đá Tôn Ngộ Không của xã hội, lúc nào đó sẽ thấy bơ vơ, không nhận ra mình là ai, sống vì cái gì, chỉ có các mối quan hệ đầy tính toán, thấy cô đơn giữa chốn đông người và như kẻ lưu vong trên chính mảnh đất quê hương.

Có rất nhiều con lai Mỹ đã trở về Việt Nam chỉ để biết một nửa dòng máu của mình. Cựu phó thủ tướng Đức, vốn là người Việt, đã quay lại quê hương nghèo khó sau nửa đời người và ra sức kêu gọi quốc tế đầu tư vào đất nước này.

Hay như cậu bé Tsukuru trong “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”, đã quay trở về quê cũ để đối mặt với quá khứ, tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra và khiến con người cậu như hiện tại. Cậu không thể tiếp tục sống một cuộc sống không màu, vô vị, trống rỗng và phù du…
Ai rồi cũng muốn về với cội nguồn. Và mỗi lần thắp nén nhang, nếu thành tâm, người ta sẽ nhớ về cội nguồn đó…

Người Nhật cũng thờ cúng tổ tiên. Mỗi lần giỗ, họ không làm mâm cao cỗ đầy. Khi còn sống người quá cố thích ăn gì họ sẽ cúng thứ đó. Có đợt m thấy họ cúng thuốc lá, loại người quá cố hay hút. Và mỗi dịp giỗ, họ kể lại kỷ niệm về người đã khuất.

Có người phàn nàn rằng, qua các thế hệ, càng ngày càng có quá nhiều ngày giỗ, cuộc sống thì bận rộn, họ không thể làm hết được. Thực ra không hẳn, người ta chỉ giỗ những người thế hệ gần. Còn thế hệ lâu hơn sẽ về bàn thờ tổ tiên, giỗ chung với các cụ trước đó nữa. Những cụ nào có thành tựu lớn với xã hội thì có thể được thờ riêng. M thấy như thế rất hợp lý. Nó khiến việc thờ cúng vừa gần gũi, thiết thực, vừa nhẹ nhàng nhưng đầy đủ.