GDP là gì và được tính thế nào?

GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định trong một thời kỳ nhất định.

Chẳng hạn, nếu anh A mua một sản phẩm giá 10 đồng, xong bán cho anh B được 20 đồng, anh B lại bán lại cho anh C được 30 đồng, rồi anh C không bán cho ai nữa, thì đóng góp của sản phẩm đó cho GDP là 30 đồng. Không tính vào GDP nhiều lần cho cùng 1 sản phẩm.

Trường hợp khác, nếu anh A làm ra cái búa để tự dùng, không bán cho ai cả, thì cái búa đó vẫn tính vào GDP, giá trị tính theo giá thị trường. Vì bản thân cái búa được tạo ra để phục vụ nhu cầu của anh A, được mua bằng tiền từ túi trái anh A trả cho túi phải của anh.

Có nhiều cách tính GDP, trong đó phổ biến nhất cách tính bằng tổng mức chi tiêu giành cho các sản phẩm được xã hội tạo ra. Nguyên lý đằng sau khá đơn giản. Một vật dụng được làm ra mà không ai muốn dùng thì không được gọi là “sản phẩm”. Nên tổng “sản phẩm” quốc nội là tổng giá trị của những thứ được làm ra mà có ai mua, bằng tổng số tiền xã hội bỏ ra mua những thứ đó.

Người ta chia tổng chi tiêu ra đối với sản phẩm nội địa thành các khoản, mỗi khoản ứng với một thành phần kinh tế. Chi tiêu bởi cá thể/hộ gia đình (C- consumption), Chi tiêu bởi doanh nghiệp (I-Investment), Chi tiêu bởi chính phủ (G- Goverment), chi tiêu bởi nước ngoài (NX – Net export).

GDP = C + I + G + NX

Tại sao lại phân biệt các khoản chi tiêu này? Vì bản chất của từng khoản khác nhau.

Chi tiêu bởi hộ gia đình là chi tiêu sản phẩm/dịch vụ cuối của cá nhân, không bán lại cho ai.

Chi tiêu bởi doanh nghiệp là đầu tư vào máy móc, nhà xưởng… (thế nên được gọi là Investment) phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh dài hạn, không bị đem thanh lý bán đi ngay. Trường hợp nguyên vật liệu được mua về, chế tạo thành sản phẩm đem bán thì giá nguyên vật liệu không tính vào chi tiêu doanh nghiệp, vì nó được mua về xong bán lại, không phải là sản phẩm/dịch vụ cuối. Hay doanh nghiệp thuê dịch vụ nào đó để sản xuất sản phẩm, chi phí thuê sẽ không được tính vào (C) hay (I)…

Chỉ tính giá sản phẩm/dịch vụ cuối vào GDP vì mức giá đó đã bao gồm tất cả chi phí trong chuỗi cung ứng để tạo ra và phân phối: chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công,… các loại giá trung gian nếu tính vào sẽ bị tính nhiều lần, không hợp lý…

Chi tiêu bởi chính phủ là chi tiêu công, lấy tiền từ dân đóng góp, cho vay (thuế, trái phiếu…), không mang tính tư nhân như chi tiêu hộ gia đình và chi tiêu doanh nghiệp.

Chi tiêu bởi nước ngoài là giá trị xuất siêu của doanh nghiệp trong nước, thu ngoại tệ về (trường hợp nhập siêu công thức tính không đổi). Khoản chi tiêu này là của người tiêu dùng nước ngoài.

Vậy GDP được tính bằng tổng giá trị của tất cả các sản phẩm quốc nội (sản xuất trong lãnh thổ quốc gia đó) bị bán trong năm. Nhưng khi mỗi sản phẩm bán đi, tiền sẽ về túi một cá nhân tổ chức, trở thành thu nhập của họ. Vậy GDP cũng được tính bằng tổng thu nhập của mọi thành phần kinh tế: thu nhập của người dân, thu nhập của doanh nghiệp, thu nhập của chính phủ… Thu nhập của các thành phần này lại có thể chia nhỏ thành 3 khoản: một để chi tiêu (C-consumption), một để tiết kiệm (S-saving), một để đóng thuế (T-Tax).

Khoản chi tiêu là khoản tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ cuối như nói ở trên. Khoản tiết kiệm là khoản tiền để rỗi đó, hoặc mua các tài sản đầu tư sau này bán kiếm lời. Khoản thuế để đóng cho nhà nước phục vụ cộng đồng.
Nhưng dù là khoản nào, cũng có thể quy về sở hữu của cá nhân. Chẳng hạn một doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi để mua trái phiếu (S), thì tiền đó thuộc sở hữu chung của cổ đông, và được coi là một khoản saving của những cổ đông này.

Một người nhận được lương, có thể mua đồ sinh hoạt hàng ngày (C), đem tiền đầu tư cổ phiếu (S) của doanh nghiệp để doanh nghiệp mua máy móc… và nộp thuế (T).

Như vậy GDP = C + S + T

với S và T là saving và tax của từng cá nhân/hộ gia đình.


Tóm lại, C + S + T = C + I + G + NX

Chú ý C vế trái và phải ở đẳng thức trên là như nhau, đều bẳng mức chi tiêu của cá nhân/hộ gia đình cho các sản phẩm dịch vụ cuối.
Sự chuyển hóa C từ vế phải sang vế phải đại loại là: anh A1 mua sản phẩm cuối từ doanh nghiệp B với mức giá C (vế phải), doanh nghiệp B có doanh thu, trả tiền lương cho anh B1, anh B1 dự định mua một sản phẩm cuối với mức giá C (vế trái) từ công ty A của anh A1.

Thì C của A1 chuyển hóa thành C của B1 và ngược lại.

Khoản saving S của vế trái có thể biến thành investment I của vế phải bằng cách đem tiền nhàn rỗi góp tiền lập công ty, công ty này mua đầu tư trang thiết bị. Hoặc S cũng có thể biến thành government spending G nếu cá nhân mua trái phiếu chính phủ, cho chính phủ vay tiền đầu tư công…

Khoản tax T của vế trái sẽ biến thành government spending G khi chính phủ thu thuế và dùng thuế này chi tiêu công.

NX trong trường hợp xuất siêu trở thành lợi nhuận của doanh nghiệp, thuộc sở hữu của cổ đông, được tính vào khoản saving S của cá nhân bên vế trái…
Cuối cùng rút gọn phương trình ở trên: S-I = (G-T) + NX
G-T là khoản thâm hụt ngân sách của chính phủ. Khoản này càng bị âm thì phần tiết kiệm còn lại của dân càng eo hẹp.