1./ Khối lượng giao dịch thể hiện độ tin cậy trong biến động giá. Lý do khá đơn giản: (1) Nhiều người cân đo đong đếm, kéo lên kéo xuống ra mức giá đó thì nó ít bị thiên kiến (2) Giá tăng bền vững là do người mua trả cao hơn mức người bán từng mua, tức là tiền vào cổ phiếu lớn hơn tiền ra, khối lượng giao dịch phải tăng.
2./ Khối lượng giao dịch ít, như một vài thành viên của 2 đội kéo co, đội kéo lên đội kéo xuống, tham dự trò chơi. Kết quả của số ít không đại diện cho số đông, thế nào cũng có thể đảo lộn, nếu toàn đội kéo lên và toàn đội kéo xuống tham gia.
3./ Giá trong ngắn hạn phụ thuộc vào việc “đám đông nào” tham gia kéo giá lên xuống. Cái khó là đoán được đám đông đó là đám đông nào, trong tổng số nhà đầu tư trên thị trường. Đa số trường hợp là không đoán được.
4./ Giá của ngày nay được định đoạt bởi khí thế mua còn sót lại của ngày hôm qua và nỗi hoảng hốt cần bán của người bị bịt mắt và sợ độ cao.
5./ Đầu tư ngắn hạn không bao giờ đạt được tỷ suất như đầu tư dài hạn. Nó giống như cố gắng đạt được nhiều hạnh phúc bằng nhiều lần tái giá với các cô gái khác nhau.
6./ Khối lượng giao dịch thường tương quan với lượng thông tin mà nhà đầu tư biết về cổ phiếu và vì thế liên quan khá mạnh tới thương hiệu.
7./ Giá cổ phiếu rẻ hay đắt phụ thuộc vào dòng tiền tương lai của doanh nghiệp, và xác suất của nó. Nhiều người bỏ yếu tố thứ 2.
8./ Khối lượng giao dịch tương đương với dòng chảy của tiền. Chứng khoán hấp dẫn thì tiền chảy vào chứng khoán lên, khối lượng giao dịch tăng, sàn tăng chung, công ty chứng khoán được lợi. Sau khi chảy vào sàn, tiền chảy vào cổ phiếu hấp dẫn đẩy khối lượng giao dịch tăng, giá tăng thêm. Tiền không tăng mà chảy lòng vòng thì VNIndex luẩn quẩn, giá không tự nhiên tăng lên hay giảm xuống, nó chỉ chuyển từ cổ phiếu này qua cổ phiếu khác.
9./ Tiền nhàn rỗi để trong tài khoản chứng khoán cho thấy tiềm năng tăng giá của sàn. Tiền chưa rút ra khỏi sàn, tức là nhà đầu tư chưa kiếm được kênh đầu tư nào tốt hơn, chỉ đợi giá cổ phiếu giảm để xả tiền vào. Đấy là dấu hiệu giá khó giảm sâu.
10./ Gia tốc tăng của dòng tiền chảy vào chứng khoán tương ứng với rủi ro bong bóng của sàn. Tiền vào càng nhanh, giá tăng càng mạnh, nhà đầu cơ càng manh động, cho đến khi giá quay đầu giảm, họ đạp nhau mà chạy, giá rơi tự do, bong bóng vỡ, mất mát lớn, nỗi sợ bao trùm, thời gian phục hồi lâu.
Tóm lại, giá và khối lượng là biểu hiện bên ngoài của dòng tiền, ngoài độ lớn của dòng tiền còn cần chú ý đến gia tốc tăng của dòng.
