Khoa học công nghệ và ứng dụng trong kinh tế

Từng có thời kỳ người ta tranh cãi nhau về việc có nên đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học cơ bản.

Trên thế giới, các nước tiên tiến đều đổ nhiều tiền cho nghiên cứu khoa học. Theo worldbank, mức này ở Nhật năm 2018 là 3.26% GDP, Mỹ là 2.84%, Hàn Quốc 4.81%, Trung Quốc 2.19%, Sing 1.94% trong khi ở Việt Nam chỉ 0.53%.

Ở các nước càng phát triển, nhu cầu phát triển khoa học công nghệ càng cao. Những công nghệ phục vụ quân sự, thám hiểm vũ trụ… đã từng rất đắt đỏ, viển vông… sau trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế khi được thương mại hóa… Có thể thấy như Internet ban đầu là một dự án của bộ quốc phòng Mỹ. Starlink với mục tiêu phủ sóng mạng toàn cầu của Musk cũng phải bắt đầu từ các nghiên cứu liên quan đến tên lửa, vũ trụ…

Thực tế thì nền kinh tế được tăng trưởng bởi 2 yếu tố: (1) khả năng tăng năng suất lao động của nguồn lực xã hội thông qua khoa học công nghệ và (2) khả năng thương mại hóa các nguồn lực này thông qua cơ chế thị trường hiệu quả.

Ở các thị trường phát triển mạnh, mọi nguồn lực đã được tận dụng hiệu quả tối đa thì (1) luôn được khuyến khích và đầu tư mạnh. Còn ở những nước đang hoàn thiện thể chế thị trường, (2) là bài toán được ưu tiên hơn.

Ở bài toán thị trường, nhu cầu xã hội luôn được tạo ra, từ mức cơ bản đến mức cao hơn. Các nhu cầu xuất hiện và tăng lên tạo ra lực kéo đẩy giá các sản phẩm /dịch vụ tương ứng tăng. Giá tăng thì các nguồn lực xã hội sẽ tập trung nhảy vào đáp ứng để kiếm lời. Để kiếm được nhiều lời thì họ phải gọi thêm vốn, thu hút thêm nhân sự, tối ưu hóa chi phí, tăng chất lượng sản phẩm để cạnh tranh…Những nguồn lực nhàn rỗi của xã hội sẽ được hút vào dòng tiền đấy theo doanh nghiệp, được đào tạo để có thể làm được việc, được tối ưu để tăng tối đa output đầu ra… Sự lãng phí của xã hội được các doanh nghiệp cạnh tranh nhau hấp thụ hết, năng suất lao động của xã hội được tăng thêm.

Chẳng hạn, khi nhu cầu gia công dệt may tăng, các nhà máy may mở ra khắp tỉnh thành, thu hút lực lượng nông dân ở các vùng quê vốn thu nhập thấp, đào tạo họ thành công nhân, trả mức lương cao hơn, siết chặt kỷ luật để tăng năng suất… Đời sống nhân nhân tăng cao theo cùng với sự phát triển công nghiệp, nhu cầu lương thực thực phẩm tốt tăng cao, khiến giá thực phẩm tăng, giá tăng mà người làm ruộng giảm, người ta lại dồn điền đổi thửa áp dụng công nghệ máy móc để tối ưu hóa năng suất và làm nông trường …

Những nhu cầu xuất hiện, giá sản phẩm tăng, nguồn lực tối ưu đáp ứng, kinh tế phát triển…

Kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn này…

Nhưng nguồn lực của một quốc gia sẽ chỉ được tối ưu đến một mức độ nào đó. Không ai có thể làm việc 12 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần… mãi. Không ai muốn kiếm tiền mà không có thời gian tiêu tiền. Mà nếu không tiêu tiền thì không có khách hàng, không có khách hàng tức là không có ai trả tiền cho mọi người làm việc…

Ở cái mức độ gần tối ưu đó, để tạo ra của cải nhiều hơn, tăng trưởng kinh tế hơn, người ta chỉ có thể dựa vào khoa học công nghệ. Trong một nền kinh tế hiệu quả, khoa học công nghệ được đưa từ phòng thí nghiệm vào nền kinh tế cực nhanh. Xã hội luôn đói khát những công nghệ có tính ứng dụng cao và làm mọi cách kiếm tiền từ nó.

Công nghệ xe tự hành chẳng hạn. Bình thường người ta không thể làm gì khác khi ngồi trên xe, nhiều khi mất đến 3-4 tiếng/ngày chẳng làm được gì, chỉ để nhìn đường và cầm lái. Xe tự hành giải phóng con người khiến họ có thêm thời gian hưởng thụ cuộc sống hoặc làm những việc ra nhiều tiền hơn.

Xã hội đầy rẫy những nhu cầu, doanh nghiệp tìm ra các nhu cầu đó, làm thành bài toán cho giới khoa học giải quyết, giới khoa học sẽ liên kết với nhau cùng giải bài toán, trước là bài toán trong phòng nghiên cứu tạo ra công nghệ, sau công ty sử dụng công nghệ này để tinh chỉnh tạo ra sản phẩm…

Đó là cơ chế hiệu quả trong một thị trường hiệu quả. Việt Nam rồi cũng theo cơ chế này. Các bằng sáng chế, phát minh sẽ không phải để lấy mấy giải nghiên cứu khoa học cấp nhà nước cấp thành phố…, các nghiên cứu khoa học không được vẽ vời để kêu gọi tài trợ từ trung ương… xong đắp chiếu để đó…

Cả nền kinh tế sẽ cần đến khoa học, rất nhiều, không sớm thì muộn…