MV = PQ và làm thế nào để bitcoin có thể trở thành tiền

Vài năm trước m có một thắc mắc về việc bằng cách nào Bitcoin có thể trở thành tiền tệ. Lúc đấy không biết công thức trên. Chỉ biết là, trong tư duy trong sáng đơn giản nhất, mỗi đồng tiền được chi ra sẽ tương đương với một hàng hóa được mua vào, thì somehow tổng lượng tiền trong nền kinh tế phải tương đương với tổng lượng hàng hóa được tiêu thụ, tức GDP.

Giả sử một ngày đẹp trời bitcoin trở thành tiền lưu thông chính thức. Số lượng bitcoin là 21 triệu đơn vị, không tăng. Số này sẽ được quy đổi ra GDP. Giả dụ sau 10 năm GDP tăng gấp đôi, thì giá trị của một đồng tiền bitcoin cũng tự động tăng gấp đôi. Tức là mình cứ để tiền đó, không cần làm gì, không có rủi ro gì, không lạm phát, giá trị cứ tăng.

Mình không biết có một loại lãi suất nào không kèm rủi ro như thế.

Tiền nhàn rỗi muốn sinh lời cũng phải qua ngân hàng vào nền kinh tế, giúp vận hành các mô hình kinh doanh để chuyển đổi sức lao động, chất xám thành tiền, giúp chủ doanh nghiệp có lợi nhuận trả lại lãi ngân hàng, rồi ngân hàng trả lại lãi cho người cho vay… Tiền muốn đẻ ra tiền phải qua một chu trình lao động. Không có đồng tiền nào ngồi không lại tự tăng giá trị.

Về sau, đọc được công thức MV = PQ mới thấy đúng là cung tiền có tỷ lệ với tổng lượng tiêu thụ hàng hóa dịch vụ của quốc gia. Công thức trên thực ra khá đơn giản, M là cung tiền (số lượng đồng tiền có trong nền kinh tế), V là vòng quay tiền (số lần trung bình một đồng tiền qua tay người khác), P là mức giá trung bình hàng hóa, Q là số lượng hàng hóa.

MV hay PQ chỉ là hai cách tính về số tiền lưu thông trong nền kinh tế trong việc cung ứng hàng hóa dịch vụ.

Cách tính đầu nhìn từ góc độ đường đi của tiền. Cứ trong mỗi một giao dịch, một đồng tiền (cùng vài đồng tiền khác như thế) sẽ chuyển từ túi người này qua túi người khác. 5 giao dịch thì nó chuyển qua 5 lần, và số tiền lưu thông là 5. Nhân số lượng đồng tiền với số lần qua tay thì ra tổng lưu lượng tiền chảy qua lại trong nền kinh tế, bằng MV.

Cách tính thứ hai nhìn từ góc độ đường đi của hàng hóa. Cư mỗi một giao dịch, một hàng hóa sẽ chuyển từ người này qua người khác. Tổng giá trị hàng hóa lưu thông bằng giá của mỗi hàng hóa nhân với số lượng hàng hóa, bằng PQ

Cuối cùng , tổng giá trị hàng hóa lưu thông phải đúng bằng tổng tiền lưu thông (vì cứ mỗi lần hàng chảy từ giỏ hàng người này sang giỏ hàng người kia, thì ngược lại lượng tiền tương ứng chảy từ túi người kia sang túi người này): MV = PQ.

Vì công thức trên, người ta nhận thấy vai trò của cung tiền M đối với việc điều tiết giá cả nền kinh tế. M càng lớn thì giá càng tăng. Càng bơm tiền thì càng lạm phát, do chỉ có từng ấy hàng hóa, trước được quy đổi ra 5 đồng thì mỗi đồng còn có giá, giờ phải quy đổi ra 10 đồng thì giá mỗi đồng giảm phân nửa.

Chẳng hạn chính phủ đầu tư công lãng phí, không thể vay thêm vốn mới để trả khoản vay cũ, ngân hàng nhà nước phải in tiền ra cứu, qua đó bơm tiền vào kinh tế, gây lạm phát.

Thế nên tham nhũng cũng phần nào gây ra lạm phát.