Một trong những người thầy m nhớ nhất hồi đại học Nhật là một người m không nhớ tên, không nhớ mặt, cũng không nhớ nốt ông ấy dạy môn gì.
Chỉ nhớ là ông ấy có thể làm các thao tác chầm chậm, đều đặn, nhịp nhàng nhưng vô cùng hiệu quả, thanh thoát. Có cảm giác trong các động tác, không có động tác nào thừa. Ông ấy luôn dùng cả hai tay, tay trái đang làm một việc thì tay phải đã chuẩn bị cho việc tiếp theo. Thực sự tập trung, thực sự nhẹ nhàng và thực sự nhanh.
Ông ấy là giáo sư. Trái ngược với vẻ đạo mạo và hàn lâm của chức danh, ông ấy rất sinh động và gần gũi. Ông ấy hỏi tên sinh viên, khen tên đẹp, nói ông biết nhiều người tên đẹp thế. Ông ấy đi ngang qua bàn sinh viên, thấy cái bút lạ, ông ấy hỏi mua ở đâu? Nói chung là có những thứ nhỏ nhặt, không ai nghĩ ông ấy sẽ để ý, ông ấy lại để ý.
Ông ấy rất đặc biệt.
Sau này, biết chút ít về thiền, m lại nhớ đến ông.
Mỗi người ở 4 trạng thái tốt dần lên là (1) tâm động, thân động; (2) tâm động, thân tĩnh, (3) Tâm tĩnh, thân tĩnh (4) Tâm tĩnh, thân động, thì ông ấy thường hay ở trạng thái tốt nhất: chân tay, người ngợm hoạt động tích cực nhưng tâm thái luôn ổn định, cân bằng, tập trung. Cái tĩnh trong các hoạt động của ông nằm ở gia tốc trong hành động = 0, mọi thứ đều đều như cùng vận tốc.
Và việc ông ấy để ý đến những thứ nhỏ nhỏ, hay hay làm cuộc sống ông ấy thực sự hạnh phúc. Nếu người ta “mải mê theo đuổi cánh diều, để củ khoai nướng cả chiều thành tro”, ông ấy sẽ vừa buông diều, thỉnh thoảng quay lại cắn miếng khoai nướng, cười khà khà.
Đỉnh cao của thiền, chắc cũng chỉ có thế. Tìm kiếm được những thứ hay ho trong thực tại, gom nhặt những niềm vui nho nhỏ, biết lấy “mỡ nó rán nó”, tức biết hạnh phúc trong thực tại để khiến thực tại hạnh phúc hơn.
Bạn có hay cho phép mình thích những thứ đang có…?
— Tuấn Hà, dưới tán cây bồ đề —