Phương thức phân tích chỉ số tài chính


Phân tích đánh giá không gì hơn là (1) tìm các điểm tham chiếu và (2) so sánh các tham số cần đánh giá với điểm tham chiếu. Giống như việc để biết mình đang ở đâu, bạn cần có những cột mốc.

Điểm tham chiếu có thể là chỉ tiêu tài chính từ bản thân công ty trong cùng năm hoặc trong quá khứ. Cũng có thể đến từ công ty cạnh tranh trong cùng ngành.

Khi có các tham số, để có được insight trả lời cho thắc mắc về tình hình tài chính công ty, bạn cần “so sánh”. So sánh là một trong những nền tảng của mọi tiến bộ và giác ngộ.

Sự so sánh được hiện thực nhờ các phép tính tỷ lệ giữa cái nọ cái kia, hoặc tính toán cơ cấu, sau đó hiển thị trực quan thông qua các biểu đồ.

Phép tính tỷ lệ là hay gặp nhất. Để biết khả năng sinh lời của cổ phiếu, người ta dùng Price/earnings, xem xem bao đồng vốn thì thu về 1 đồng lời. Để biết khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, người ta dùng tỷ lệ giữa tổng các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền, khoản phải thu … so với nợ phải trả sắp tới đây.

Để biết mức độ phụ thuộc của doanh nghiệp vào nguồn lực từ bên ngoài, người ta dùng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, để xem xem không có khoản nợ trên thì công ty điêu đứng tới mức nào…. Các tỷ lệ cho thấy sự tương quan giữa các thành phần tài chính, mà thường phải ở mức nào đó hợp lý. Sự bất thường trong các tỷ lệ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nếu như các tỷ lệ phản ánh “quan hệ song phương” giữa hai hoặc hai nhóm chỉ số tài chính, thì “cơ cấu” phản ánh tổng thể mức độ hài hoà của tất cả chỉ số đó với nhau. Trong cơ cấu doanh thu thì doanh thu từ nguồn nào lớn nhất, chi phí phát sinh từ đâu lớn nhất… Một công ty ổn phải là một công ty có cơ cấu tài chính hợp lý, theo mức chuẩn trong ngành. Đơn cử như cơ cấu nợ, tỷ lệ nợ nhóm 5, nhóm 4,… như nào thì rủi ro công ty ở mức trung bình ngành…

Cơ cấu thường có phản ánh chiến lược nhiều hơn một chỉ dấu sức khoẻ tài chính đơn thuần. Giống như dàn binh bố trận đánh giặc, việc nhận diện ra khu vực trọng yếu và phân bổ nguồn lực tương xứng có thể quyết định thắng thua… thì cơ cấu các khoản đầu tư, doanh thu lợi nhuận… phác hoạ đường đi nước bước của công ty trong nhiều năm tới để đến thành bại…
Việc phân tích cơ cấu, đưa mọi con số về %, cũng giúp nhà đầu tư so sánh hai công ty ở hai quy mô khác nhau hoàn toàn.

Sau khi nắm được các tỷ lệ, cơ cấu, để diễn đạt chúng một cách trực diện, nhanh chóng thì không gì tiện hơn là thông qua các biểu đồ. Biểu thị cơ cấu thì có biểu đồ hình quạt, biểu thị tỷ lệ thì có thể dùng bar chat, biểu diễn sự biến thiên theo thời gian thì dùng line chart…

Các biểu đồ cho ra insight cực nhanh, nên nếu tận dụng được thì sẽ phân tích rất hiệu quả.

Tóm lại các bước để phân tích, trường hợp này là chỉ số tài chính, là:
1) Tìm các điểm tham chiếu để so sánh với chỉ số cần đánh giá
2) Tính toán tỷ lệ của chỉ số với các điểm tham chiếu. Đồng thời đánh giá chỉ số khi đặt nó trong cơ cấu tổng thể.
3) Vẽ đồ thị, biểu đồ để nắm bắt trọn vẹn mức độ hợp lý của chỉ số, một cách nhanh nhất.