Quản lý cấp trung và bóng đá

Huấn luyện viên bóng đá là ví dụ điển hình về cái khó của quản lý cấp trung. Cấp dưới là những ngôi sao trăm triệu đô, cấp trên là những tỷ phú sẵn sàng sa thải nếu thành tích có chút giảm sút. Họ ở thế trên đe dưới búa, đứng giữa hai làn đạn. Trong bóng đá, có nhiều phong cách quản lý, thành công hay không không những phụ thuộc vào năng lực của HLV, mà còn phụ thuộc vào môi trường, may mắn.

José Mourinho: chỉ tập trung vào chiến thuật

Phong cách của Mourinho từ trước đến nay chưa bao giờ tập trung vào con người. Ông tập trung gần như tuyệt đối vào lối chơi, chiến thuật, hệ thống. Ông đề cao tính chuyên nghiệp của cầu thủ.

Ông muốn đội bóng của mình như một đội quân và ông là nhà chiến lược, là chỉ huy, vừa chịu trách nhiệm lớn nhất cho mọi kết quả, vừa bảo vệ quân của mình nhưng cũng sẵn sàng trảm bất cứ kẻ nào tạo phản. Tính chiến đấu, kinh nghiệm trận mạc, khả năng tập trung, đọc trận địa tuyệt vời và những đòn kết liễu chí mạng có thể giúp Mou thắng trong nhiều trận đấu tay đôi.

Nhưng tất cả những kỹ năng lợi hại của Mou sẽ chẳng có tác dụng nào khi cầu thủ không nghe ông nữa. Những cái tôi cả trăm triệu đô, nhận lương gấp mấy lần Mou, được nhiều câu lạc bộ chèo kéo… không muốn bị Mou sát phạt kiểu quân đội. Dù lý lẽ của Mou có sắc nhọn tới đâu, chiến thuật của Mou có ảo diệu tới đâu, họ vẫn chỉ coi làm việc với Mou là một vụ hợp tác. Mou thiết kế, họ thực thi. Không có sự tôn trọng lẫn nhau, sẽ không có kết quả tốt đẹp.

Nếu Mou vẫn giữ cách quản lý kiểu chỉ tập trung vào quy trình, chiến thuật,… và coi nhẹ yếu tố con người, thì ở Chelsea, Manu hay ở bất kỳ câu lạc bộ lớn nào, ông sẽ nhanh chóng gặp lại đúng 1 vấn đề: cầu thủ đình công sau khi thành công, thường là mùa thứ ba.

Alex Ferguson

Điểm khác biệt lớn giữa Ferguson với Mourinho nằm ở yếu tố con người. Mourinho quản lý bóng đá đơn thuần còn Ferguson quản lý con người.

Ferguson là mẫu quản lý tận tụy, có nguyên tắc. Thành công chủ yếu dựa trên sự nghiêm khắc, kỷ luật, tôn ti trật tự trên dưới rõ ràng. Biệt danh máy sấy tốc đến từ bản tính dữ dội trong ông, thường được biết đến với màn đá bay cốc nước vì màn trình diễn mà ông gọi là ‘ô nhục’, sút giày vào mặt Beckham vì anh này dám chửi thề trước mặt ông.

Ferguson không bao giờ cho phép học trò đánh mất đi tình yêu với bóng đá, phải cống hiến cho câu lạc bộ… Kỹ chiến thuật có thể thế này thế khác, nhưng thái độ không tốt thì không cần bàn thêm. Mỗi cầu thủ xỏ giày ra sân phải là cầu thủ có khát khao cháy bỏng, muốn vươn tầm xuất chúng thế giới, phải tận hiến cho M.U như ông đã gắn bó trong hầu hết sự nghiệp của mình. Bất kể là trụ cột, công thần, ngôi sao… ông ấy sẽ cho nghỉ nếu dám công khai chống đối ban huấn luyện…Ông ấy có đủ uy tín và tài năng để cho nghỉ bất cứ ngôi sao nào… và đó là lý do ông ấy giữ được ngôi sao thực sự trong đội hình.

Zinedine Zidane

Zidane là một thủ lĩnh thực thụ, không sợ ai, đầy cá tính… Khi còn là cầu thủ, Zidane thi đấu phóng khoáng như những cơn gió. Các bước chạy của ông dài, động tác giống như kiểu xác lập cho mình một không gian riêng và đặt trái bóng vào đó, để không ai chạm được vào, để ông dứt điểm.

Khi làm huấn luyện viên, Zidane cũng luôn muốn đội bóng của mình dũng mãnh như thế: tấn công, sốc bóng lên. Zidane không muốn những con người xuất chúng nhất phải co cụm một góc và thi đấu trong tâm lý sợ thua. Họ phải lao lên và chiến thắng, họ phải là những người đi chinh phục.

Trong quản lý nhân sự, Zidane có nhiều nét tương đồng giống Ferguson. Ông ấy cố gắng thâu tóm hết quyền lực trong đội bóng, cầm nhiều trăm triệu đô mua cầu thủ, cố đuổi những cầu thủ ông ghét… Nhưng thời của Zidane khác của Ferguson, khi mà thua 5 trận liên tiếp là bị sa thải. Zidane cũng làm việc ở Real Madrid, một máy xay huấn luyện viên. Nên không ai đảm bảo tương lai của Zidane sẽ như Ferguson…

Pep Guardiola

Pep là như một thầy tu của thiền phái bóng đá, sống với bóng đá, ăn ngủ với bóng đá. Ông ấy quan sát rất nhiều, luôn luôn phân tích, cảm nhận và ra quyết định. Nếu Mou coi bóng đá là trận chiến kỹ thuật, Ferguson coi như một cuộc leo núi của đoàn quân trước phút 90, thì Pep coi một trận bóng là đường thêu hoa dệt gấm của trái bóng luồn lách vào khung thành. Kiểm soát tất cả: bóng, đối thủ, tâm lý chiến đấu…

Trong quản lý cầu thủ, Pep là bậc thầy của “”dây lạt buộc chặt”. Ông ấy rất mềm mỏng, khéo léo với học trò. Trong suốt quá trình huấn luyện, Guardiola không hề tỏ ra cứng nhắn. Ông cố gắng tỏ ra quan tâm mọi người, học thuộc tất cả biệt danh các cầu thủ và từng nhân viên làm việc ở mọi phòng ban. Sức mạnh của Pep được tạo ra từ tâm huyết, tính cầu toàn của ông với từng trận cầu, đối thủ. Đối với ông, trận đấu quan trọng nhất không phải là trận chung kết, trận đã qua, trận với đối thủ lớn, mà là trận đấu trước mắt. Guardiola không bao giờ nghỉ ngơi tới khi tìm ra lời giải cho một vấn đề. Ông ấy nghiên cứu rất kỹ đối thủ, tìm hiểu cách họ tấn công, đội hình xuất phát thế nào…

Park Hang Seo

Park là hiện tượng của bóng đá Việt Nam. Ông là người đầu tiên khơi được cảm xúc của cầu thủ bằng thuật đắc nhân tâm và phong cách vừa mạnh mẽ vừa khéo léo. Đó là điểm bắt đầu của tất cả thành tích trên sân cỏ. Hiếm khi thấy ông Park chỉ trích học trò. Ông ấy “lo” thôi. Tin người thì dùng, không tin không dùng. Hình phạt lớn nhất ông Park dành cho cầu thủ, là bỏ rơi họ.

Ông Park là người mạnh mẽ, nóng tính. Cử chỉ của ông thể hiện điều đó. Nhưng cách nói chuyện của ông lại rất mềm dẻo. Để có đc điều này, mindset của ông phải rất tốt. Ông ấy biết rất rõ đâu là phải phép, đâu là không và cư xử quyết liệt trên cơ sở tôn trọng phép tắc. Phép tắc là do ông có đc qua gần 60 năm sống ở Hàn Quốc, còn mạnh mẽ là bản chất của ông.