Random walk – Tản mạn về dạy trẻ con

(Có thể đúng có thể chưa…)

1./ Ai cũng mong con mình học giỏi, điểm cao và sẵn sàng thưởng nhiều hơn để khuyến khích con giỏi hơn: làm toán nhanh hơn, giải được nhiều câu đố hơn…Nhưng mục đích của giáo dục không gì hơn là dạy mỗi người cách giúp đỡ nhiều người nhất có thể, qua đó có được thành quả cá nhân. Nên trẻ con trước hết và trên hết phải được dạy làm những việc có ích, cho nó và sau là cho mọi người.

2./ Chiều chuộng quá mức là nguyên nhân chính của sự vô ơn sau này. Khi trẻ không biết đâu là việc nó cần làm, coi giúp đỡ của bậc cha mẹ là đương nhiên, rồi vùng vằng quấy phá khi không được đáp ứng mọi đòi hỏi, thì càng lớn nó sẽ chỉ càng vô dụng, ra lệnh quát nạt bố mẹ và những người xung quanh. Nhà nào càng có điều kiện thì nên cất cái “điều kiện” đó đi khi nuôi dạy con, để trẻ tự lập. Cái gì làm đc thì dứt khoát nó phải tự làm. Đây là cách người Nhật dạy con.

3./ Không nên coi trẻ con là “trẻ ranh”, không biết gì và gạt nó ra khỏi mọi chuyện “người lớn”. Trẻ con có nhiều năng lực người lớn không có, như khả năng học ngoại ngữ, ghi nhớ, tưởng tượng phong phú, tư duy trong sáng… Nếu đối xử với trẻ như một cá thể độc lập, có tiếng nói, tạo điều kiện để nó đóng góp ý kiến, công sức vào việc chung, thì trẻ sẽ phát triển tự nhiên và nhanh chóng hơn những đứa đc coi là “trẻ ranh, biết gì mà nói”. Ngoài ra, nên tránh bêu rếu trẻ trước đám đông, so sánh nó với “con nhà người ta”,… vì nó là nó, một cá nhân độc lập có tự trọng.

4./ Khi trẻ làm sai, thứ đầu tiên người lớn cần nghĩ là “vì sao?, nó học từ đâu? có phải do mình làm sai mà nó bắt chước? hay nó áp dụng thứ nó học chưa đúng chỗ… ?” chứ không hẳn là quát nạt, đe doạ, đổ lỗi cho nó ngay. Ngoài tham ăn, lười biếng bẩm sinh, thì trẻ nói chung không có tính xấu nào bẩm sinh cả. “Con hư tại mẹ” ý là như thế…

5./ Ở châu Á, muốn thành tài cần giỏi toán. Nhiều bậc cha mẹ có điều kiện muốn dạy con kiểu Âu Mỹ toàn diện, tham gia tích cực hoạt động xã hội, trải nghiệm cuộc sống phong phú… Cái đó chẳng có vấn đề gì lắm khi con cái họ được tạo điều kiện sống lâu dài ở nước ngoài sau này. Nhưng nếu muốn đứa trẻ thành công ở châu Á, hay tự mình kiếm một chỗ đứng ở châu Âu thì toán/khoa học tự nhiên là thứ khó có thể thiếu. Vì dân Âu Mỹ nói chung không thích toán, và họ chi nhiều tiền để thu hút nhân tài về khoa học tự nhiên từ khắp nơi thế giới, trả học bổng… Còn ở xã hội châu Á, thứ mà trường học có lợi thế hơn trường đời trong việc đào tạo nhân sự, là toán.

6./ Nên dạy cho trẻ ngay từ nhỏ rằng: muốn giỏi thì phải làm việc khó, chẳng ai làm việc dễ mà giỏi, và khuyến khích nó làm việc khó. Những đứa trẻ cứ gặp khó là bỏ, đa phần không làm đc trò trống gì sau này. Khen ngợi trẻ một cách dễ dãi cũng khiến nó tự mãn trước việc dễ và kêu ca khi gặp việc loằng ngoằng. Khi gặp việc khó, cố gắng bóc tách bài toán to thành bài toán đơn lẻ, nhỏ, làm nhiều lần bài toán nhỏ cho quen, thành dễ rồi cộng gộp lại làm bài toán to…

7./ Nên phân biệt hai loại sai lầm của trẻ, một do trình độ, hai do thái độ. Nếu trẻ sai vì thiếu kỹ năng, chưa làm bao giờ… thì cần kiên trì dạy dỗ, đợi chờ… tạo điều kiện để nó hoàn thiện dần, không nên nóng nảy nhảy vào làm thay “cho nhanh” hoặc thúc giục vô tội vạ, làu bàu cả buổi… Nhưng nếu trẻ sai do thái độ chống đối, chủ quan, cẩu thả, coi thường, bỡn cợt,… thì phải kiên quyết tìm hiểu nguyên nhân và răn đe kịp thời nếu cần. Thái độ không tốt sẽ đổ sông đổ bể mọi kỹ năng trẻ có, biến nó thành phần tử phá hoại…

8./ Giục quá nhiều một việc sẽ khiến trẻ muốn làm ngược lại, hay làm khác đi để thể hiện cái tôi. Nói quá nhiều về một sai lầm sẽ khiến trẻ mặc cảm, tự kỷ ám thị. Một học sinh dốt, thường không phải do nó dốt thật, mà vì ai cũng nói với nó là nó dốt. Khi lời nói không có tác dụng, thì tốt nhất là không nói nữa. Thay vào đó là hành động. Nó cần support thì support, nó k nghe thì làm gương và tạm thời để nó một mình cho suy nghĩ, hoặc có thể có một số hình phạt răn đe tuỳ theo mức độ…

9./ Thời điểm là một trong những yếu tố quan trọng nhất để dạy dỗ đứa trẻ, không khác gì uốn cây. Tất cả các biện pháp giáo dục, dù có tốt đến mấy nếu áp dụng muộn hay không đúng lúc sẽ thành ra phản tác dụng. Ở tuổi dậy thì mà mới làm thế nào để cho nó sợ bố mẹ giận là hỏng. Nuôi dạy con là một quá trình thả lỏng từ từ. Phải rất nghiêm và khoa học vs con khi nó còn bé để nó có thói quen và thái độ tốt, sau thả lỏng dần dần khi nó lớn để cái tôi riêng của nó phát triển, trên nền tảng tác phong thái độ tốt trên. Khi bé, con nên sợ bố mẹ giận, lúc lớn, nó nên sợ để bố mẹ phải lo lắng.

10./ Trên tất cả, phụ huynh phải quan tâm, yêu thương con thì mới dạy dỗ nó được. Những đứa trẻ được bố mẹ quan tâm, sẽ tự dưng hoang mang nếu một hôm nào đó bố mẹ nó im lặng, không nói gì vs nó nữa. Bố mẹ không cần chửi bới gì để khiến nó sợ. Nhưng nếu nó bị bỏ rơi, đánh đập, doạ nạt hàng ngày, thêm một trận đòn nữa cũng không khiến nó sợ thêm. Ngồi trên ghế cao mới sợ ngã, chứ nằm đất rồi sợ gì nữa…