Chuyện lan man về Rap Việt

Gần đây rộ lên phong trào nghe rap của giới trẻ. Trận chung kết Rap Việt thu hút hơn 1 triệu lượt xem trực tiếp trên Youtube, một kỷ lục với một chương trình trong nước.

Mình không biết về Rap, cũng từng không hiểu vì sao lối bắn tiếng Việt như nã súng vào tai lại gây hấp dẫn với đám đông như vậy.

Nhưng ngẫm lại, từ đợt Sơn Tùng nổi lên với “em của ngày hôm qua”, tốc độ nhanh của ca từ trong bài hát đã dần trở thành điểm hấp dẫn. Lời bài hát cũng được người nghe đòi hỏi chất lượng cao hơn. “Lạc Trôi”, “Độ ta không độ nàng”, “Sóng gió”… đều sử dụng ngôn từ trau chuốt, ít gặp… Rap đáp ứng cả hai tiêu chí trên. Cùng với hiện tượng Đen Vâu, rap dần trở thành một thể loại nhạc đại chúng. Ngay lần đầu lên game show truyền hình, thể loại này đã lập tức để lại dấu ấn mạnh mẽ.

Nhưng quan điểm cá nhân m, ở VN thì Rap nhẹ nhàng như của Đen sẽ có sức sống lâu hơn. Giống như nhạc Rock của Bức Tường năm nào vẫn còn được hát đến giờ. Rock đó da diết thể hiện ý chí vươn lên, sự hãnh diện của tình yêu cao thượng, sức mạnh bảo vệ kẻ yếu…

Nét đẹp trong rap của Vâu nằm ở giọng nhạc thủ thỉ, nhẹ nhàng, vừa gần gũi, vừa triết lý, vừa đời nhưng cũng nghệ thuật. Nghe Đen đọc rap như nghe lời ai đó tự sự trên nhạc nền trong một bộ phim nào đó, như nỗi niềm trong lời trăn trối cuối cùng trước lúc đi xa của nhân vật chính… Những câu hát cất lên giữa bài rap như một câu nghêu ngao sau đoạn tự sự đó, khi ngôn từ không đủ diễn tả cảm xúc thì giọng hát cất lên, đẩy cảm xúc lên cao trào. Như ai đó đang vi vu trên xe, giữa đoạn câu chuyện thì nổi hứng hát một hai câu… gió trời vẫn lồng lộng..

Cái hay trong rap của Đen nằm ở sự pha trộn giữa cái thủ thỉ của giọng đọc và cái điệu nghệ của giọng hát, dùng những cái thực gần gũi để gợi lên cái triết lý sâu xa, một cách rất tự nhiên mà không hề khiên cưỡng.

Nhưng ngoài phong cách của Đen cũng còn nhiều phong cách khác. Không phải phong cách nào cũng dễ trở nên đại chúng. Rap thể hiện quan điểm cá nhân quá mức đến ngông cuồng, nổi loạn đến độ dung tục, ngỗ ngược thách thức truyền thống văn hoá thẩm mỹ Á Đông thì khó được chấp nhận hơn.
Cái gì mới, cũng phải theo dòng biến chuyển văn hoá chung. Mới quá đến độ khán giả phải thay đổi hầu hết bản thân để tiếp nhận thì cũng chưa đi tới đâu cả. Về cơ bản, họ sẽ nghe những gì họ vẫn nghe thôi.