Một số suy nghĩ về tư duy thiết kế

  • Nói chung, tôi đều có những cảm nhận nhất định mỗi lần nhìn vào giao diện một màn hình và thường cố gắng phân tích xem tại sao mình hay có những cảm giác đó. Thực tế là mọi người cũng chung cảm giác với tôi. 
  • Tôi cũng trực tiếp tham gia vẽ, hay thiết kế các phần mềm của riêng mình, cho công ty, làm các slide trình bày các kiến thức tương đối phức tạp thành dễ hiểu, có luồng lạch.
  • Tôi cảm nhận, điều quan trọng của một thiết kế nằm ở hai yếu tố:
  • Một là sự tiện lợi của nó. Liệu nếu ai đó sử dụng màn hình, hay chuyển qua lại giữa các màn hình, họ muốn sử dụng nó lâu không? Màn hình, các thành phần của màn hình có được sắp xếp một cách hợp lý để user đạt được mục đích của mình tốt nhất không. Chẳng hạn khi bạn bố trí một nút “next”, nó nên được đặt ở phía bên tay phải, phía dưới, vì nó tiện cho user dùng.  
  • Hai là ở sự trong sáng của nó.
  • Trong sáng nằm ở cấu trúc rõ ràng, luồng lạch liên thông giữa các khu, các phần. Người dùng vào sẽ thường trải qua một customer journey chuẩn, hoặc nhìn ngay ra những tính năng mà họ có thể sử dụng. Các tính năng giống nhau có thể được sắp xếp ở cùng một khu, hoặc các tính năng trên cùng một journey sẽ được đặt gần nhau. Ngoài ra, về mặt UI, khi bạn nhìn vào màn hình không có cảm giác rối mắt, tạp nham. Chẳng hạn như Getfly thường hay sử dụng các border đậm trong thiết kế, khiến màn hình có nhiều đường nét xiên chéo, ngang, tạo cảm giác hơi rối mắt và nghiêm trọng hóa. Cảm giác nghiêm trọng ấy giống như có ai gạch chéo chữ X trên màn hình.
  • Hoặc việc làm rõ quy trình ngay từ đầu giúp user cảm giác họ không phải làm việc gì đó dài vô tận. Nhưng user làm thủ tục mua hàng trên Amazon, Amazon vẽ ra 5 bước thủ tục, mỗi bước ở một màn hình để user biết là mình còn bao lâu nữa thì xong, và thường họ sẽ muốn hoàn tất những thứ họ bắt đầu nếu họ biết họ làm được. Đây cũng là việc mà các trang web của Nhật rất hay làm, thay vì để khách hàng phải điền hết một trang thông tin cực kỳ dài, dài miên man, khiến khách hàng nản, thì admin chia nó ra 5 công đoạn, mỗi công đoạn có vài thông tin cần nhập. Việc nhập xong một công đoạn, chuyển đến công đoạn tiếp theo giúp khách hàng có được tâm lý mình đã hoàn thành gì đó, và vui vẻ làm công đoạn tiếp theo. Còn không thì họ có thể bỏ cuộc giữa chừng. 
  • Các thiết kế đặt ra không phải chỉ cho đẹp, mà còn chứa những ý đồ của người thiết kế phục vụ mục đích kinh doanh. Nó như những câu mời chào câm lặng. 
  • Chẳng hạn nhưng nút call-to-action được thiết kế to, nổi bật, đậm màu thương hiệu nhất, đặt ở những chỗ dễ click nhất, vào thời điểm quan trọng nhất. Ví dụ như một trò chơi game, họ sẽ bắt khách hàng điền thông tin đăng nhập, hay cung cấp thông tin cá nhân để vượt qua các câu hỏi khó. 
  • Hay như để nhận diện thương hiệu, doanh nghiệp còn chế ra các thiết kế riêng biệt. Chẳng hạn như Cocacola có bộ chữ bay lượn trở thành thương hiệu riêng suốt trăm năm, The New York Time cũng có font chữ riêng. Amazon có nét cười từ A → Z thể hiện họ sẵn sàng cung ứng hết mọi thứ, đúng như slogan “ everything store”. Fedex có hình mũi tên trong thiết kế của mình, thể hiện tốc độ giao hàng. Now có hình 3 gạch sọc, giống như người đang chạy xé gió, tạo cảm giác giao hàng nhanh… Các logo thiết kế hầu như đều có ý nghĩa riêng với mục tiêu thương hiệu.
  •  Trong quy trình sử dụng sản phẩm, cách sắp đặt các bước sử dụng cũng có dụng ý riêng. Chẳng hạn như để post một comment vào VNexpress, user sẽ được viết comment của mình trước, sau đó khi ấn nút gửi, họ mới được yêu cầu đăng nhập thông tin. Bây giờ user khó mà bỏ đi dòng comment tâm huyết, đẹp đẽ của mình để từ chối đăng nhập. Đằng nào cũng tốn công rồi thì cố gắng hoàn thành nốt đăng nhập. Đây cũng là nguyên tắc chung trong bán hàng: công ty cung cấp dịch vụ để làm hài lòng khách hàng trước, rồi mới đòi hỏi khách hàng làm gì đó cho mình, như survey hoặc trả tiền. 
  • Một thiết kế tốt thường kêu gọi user tương tác nhiều hơn với hệ thống, từ đó tạo ra engagement cao hơn. Một user càng tương tác nhiều, họ càng engage. Điều này không chỉ đúng với các phần mềm, mà còn đúng với thực tế. Các sản phẩm của Uniqlo đều có ít mẫu nhưng cực kỳ nhiều màu. Lý do đơn giản mà Uniqlo đưa ra là để khách hàng dành nhiều thời gian ra để lựa chọn, và khi họ chọn nhiều, họ không muốn ra về tay trắng. 
  • Đối với tôi, thiết kế không chỉ là sắp xếp những màn hình, các nút, hay sắp xếp đồ vật theo một thứ tự nào đó. Thiết kế tốt thường phải có cảm hứng.
  • Chẳng hạn như thiết kế phần mềm CRM, tôi lấy cảm hứng từ dòng sông bồi đắp phù sa. Dòng sông là dòng tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng, phù sa chính là insight mà doanh nghiệp có về khách hàng. Vì thế, tôi để bên trái là các kênh một nhân viên có thể tương tác với khách hàng, bên phải là profiles của khách hàng đó. Quá trình tương tác giống như một dòng sông, nó sẽ để lại phù sa màu mỡ cho profiles. Chẳng hạn như CRM quản lý nhà đầu tư, công ty sẽ hiểu nhà đầu tư có khẩu vị đầu tư ra sao, đang sử dụng sản phẩm nào, cường độ sử dụng sản phẩm đó thế nào…
  • Tôi cũng áp dụng tư duy thiết kế để trình bày nhiều vấn đề phức tạp bằng slide. Chẳng hạn khi trình bày một hệ thống, các developers có xu hướng làm một hình vẽ đồ sộ để mô tả. Tôi muốn họ trình bày bằng các slide hơn. Nguyên lý của slide là, một page một thông điệp. Người xem sẽ nuốt từng thông điệp một, hơn là để cho họ nuốt toàn bộ khối thông điệp một lúc. Để có thể làm như vậy, tôi dành slide đầu tiên để trình bày tổng thể, slide tiếp theo để nói chi tiết từng thành phần, mỗi thành phần, tôi lại đập nhỏ ra và chia tiếp thành các slide khác… Đi từ tổng thể đến chi tiết, mỗi slide một thông điệp, tôi thấy người theo dõi sẽ có được take away ngay từ slide đầu tiên. 
  • Thời đại ngày nay, thời gian của khách hàng là vàng bạc, họ có quá nhiều lựa chọn và không muốn dành quá nhiều thời gian cho một thứ mà mãi họ không thu được gì. Vì thế, thiết kế đòi hỏi đơn giản, đúng trọng tâm, cho khách hàng thứ họ cần sớm nhất có thể. Chẳng hạn khi search sản phẩm, số lượng kết quả sổ ra nên được trình bày vừa đủ nhiều để khách hàng cảm thấy họ có đủ lựa chọn, vừa đủ ít để khách hàng không phải bơi vào và đào bới trong đống kết quả dày đặc. Tất nhiên, độ chính xác 
  • Về UX, công nghệ có vai trò đáng kể. Chẳng hạn như tìm kiếm. Một người search gì đó thì nên hiển thị kết quả đúng với expectation của người dùng. Để cải tiến kết quả, google phát triển công nghệ context search. Họ sẽ xem lịch sử search của người này là gì, xu hướng mà họ quan tâm là gì. Google cũng quan tâm xem những người xung quanh user đang search gì, xu hướng hiện nay là gì… Để cải tiến, Google còn suggest các từ khóa để search, hay đề xuất các query liên quan để người dùng biết hoặc biểu diễn chính xác hơn những gì họ đang cần. Trong phần mềm Odoo, hệ thống search cũng được cải tiến với các suggestion. Ví dụ, khi search một người tên là Nam, nó sẽ suggest 2 lựa chọn: nhân viên Nam, hay khách hàng Nam. Những lựa chọn như thế thu hẹp phạm vi kết quả có thể. 
  • Tôi thích thiết kế của Google. Triết lý của họ là Simple is the best. Đó cũng là cách mà họ tạo ra sự khác biệt với Yahoo Search. Yahoo ngày xưa để trang search như trang nhất một tờ báo với thượng vàng hạ cám. Nó làm thương hiệu Yahoo bị mờ đi, và cũng làm người search mất tập trung. Google tập trung tối đa vào search. Và search gì thì ra cái đó. Nó được thể hiện qua… 
  • Simple mà elegant cũng là triết lý thiết kế của apple. Nó xuyên suốt trong thời của Steve Jobs. Ông ấy luôn bắt đầu môt tả một trải nghiệm của mình bằng “it feels like”… Tuy nhiên kể từ thời Tim Cook, Apple bắt đầu không tập trung vào thiết kế nhiều mà chú trọng vào bộ selections cho khách hàng. Apple vì thế nhanh nhẹn trong việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Họ thay đổi thứ mà Steve Jobs khi còn sống không muốn, là màn hình. Hoặc họ bổ sung bút viết cho iPad, thứ mà Steve Jobs nói là phiền toái. Tất cả những thứ Apple làm dựa trên sự thấu hiểu thực tế khách hàng, thay vì sự lôi cuốn, ma thuật mà Steve Jobs tạo ra và đi đầu. Đó cũng là cách để họ trở thành một cỗ máy hơn một phong cách.
  • Amazon có phong cách thiết kế đơn giản và đại chúng hơn. Điều họ mong muốn là sự thân thiện. Không phải đơn giản, chính xác như google, hay phong cách, tiện lợi như Apple, Amazon cho phép họ dài dòng, nhiều chữ nhưng phải dễ hiểu, thân thiện. Trong thiết kế của Amazon, họ không dùng nhiều icon, chủ yếu là chữ. Thực tế, là một nhà bán lẻ, việc phải giải thích, tư vấn cho khách hàng khá nhiều, nên cách trình bày chữ viết làm sao cho khách đọc dễ hiểu nhất là yếu tố quan trọng với Amazon.
  • Ngày trước, Amazon cũng trình bày nhiều sản phẩm lên trang home của mình, nhưng kể từ khi khách hàng dùng Amazon để tra giá sản phẩm, và có quá nhiều sản phẩm để bán, đối tượng khách hàng quá rộng, họ bỏ hầu hết việc giới thiệu sản phẩm và tập trung vào ô search.
  • Gần đây tôi cũng có tìm hiểu một số app môi giới chứng khoán, và quả thực thiết kế tạo ra sự khác biệt. Robinhood là một online broker hướng tới đối tượng thanh thiếu niên. Ba giá trị cốt lõi của nó nằm ở phí môi giới 0 đồng, microinvest và giao diện màn hình cực đơn giản. Thay vì một bảng giá với đủ các thông số phức tạp như lệnh bán, lệnh mua, chỉ số P/E, P/B… Robinhood cung cấp các thông tin vừa đủ cho nhà đầu tư để họ có cơ sở đầu tư. Chẳng hạn như đường giá, khuyến nghị mua của nhà đầu tư, các tin tức nổi bật liên quan. Nền tảng này cũng chỉ tập trung vào mobile, hướng tới người dùng có xu hướng đầu tư dễ dàng, với số tiền nhỏ, chưa có nhiều kiến thức đầu tư. Ở một số ứng dụng cho điện thoại di động ở VN, như VND, việc so sánh hai hay nhiều cổ phiếu để lựa chọn là rất khó khăn. Những ứng dụng như thế có rất ít chức năng giúp nhà đầu tư ra quyết định mua cổ phiếu, đơn thuần chỉ để họ đặt lệnh. 
  • Trong mảng bất động sản, chotot.vn là có giao diện dễ dùng nhất. Hơn cả batdongsan.com, homedy… Đây cũng là platform được nhiều người giới thiệu để tìm nhà. Sự khác biệt ở batdongsan.com và chotot nằm ở thanh công cụ tìm kiếm. Nếu như chợ tốt để công cụ tìm kiếm của mình mặc định là một filter, thì batdongsan.com lại để một ô search. Để một filter sẽ tốt hơn. Vì chẳng ai đi tìm nhà bằng một keyword cả. Họ chắc chắn sẽ biết mình có thể mua nhà giá bao nhiêu, rộng thế nào thì ok, ở khu vực nào. Ngoài ra, khi chọn khoảng giá, dải giá mà chotot cho chọn tốt hơn, dài hơn khiến trải nghiệm ngon lành hơn.