Tự do tài chính từ một góc nhìn khác


Bữa rồi đọc được ít bài về tự do tài chính. Trong đó mọi người định nghĩa tự do tài chính là khi đạt được một khoản tiền nào đó, chẳng hạn 1 triệu đô. Và các kế hoạch chi tiêu, đầu tư được thảo luận để có được tưng đó tiền.

Mình nghĩ hơi khác chút. Bạn có thể tự do tài chính bất cứ khi nào, chứ không cần đến khi có đủ 1 triệu đô. Nếu số tài sản bạn có, đủ để trang trải mức chi tiêu hiện tại của gia đình, bao gồm các trường hợp chi tiêu nhiều, trong 1 năm tới, bạn sẽ có 1 năm tự do tài chính. Số tiền càng nhiều và mức chi tiêu càng hợp lý thì thời gian tự do tài chính càng dài.

Thực sự thì, để có được 1 triệu đô mà sống kham khổ cả tuổi thanh xuân, cũng không đáng. Một đồng tiền trong túi lúc bạn còn có thể tận hưởng cuộc sống, có giá trị hơn đồng tiền lúc bạn không thiết tiêu vào thứ gì, do già yếu, buồn bực.

Thế nên thay vì cố gắng làm “tù nhân” của bản kế hoạch tài chính khắc kỷ hai mươi năm để trở nên triệu phú, chỉ cần mỗi năm kiếm đủ để luôn còn 3 năm trước mắt không phải làm gì mà vẫn sống tốt. Hai mươi năm bạn sống, dù đến cuối năm thứ 20, bạn vẫn chỉ đủ tiền cho 3 năm chi tiêu nữa, thì 20 năm đã sống của bạn đã là 20 năm tự do tài chính rồi. Sao phải đợi.

Thực tế cũng không khắc nghiệt lắm. Cứ mỗi một năm đi làm mà chỉ tiêu hết có nửa số mình kiếm, thì cứ 1 năm đi làm bạn có quyền được nghỉ thêm 1 năm mà sống tốt. Sau 10 năm đi làm bạn có quyền nghỉ 10 năm mà vẫn sống ổn. Sau 30 năm đi làm, đến tuổi 50 bạn nghỉ là vừa, vì đủ tiền sống đến 80. Không nhất thiết phải có 1 triệu đô mới cảm thấy tự do.

Bạn hoàn toàn có thể vừa tích sản, vừa tận hưởng “tự do tài chính” ngay từ khi còn trẻ.

Một cách đơn giản là chia tiền làm bốn khoản. Khoản cơ bản để duy trì cuộc sống của bản thân cũng như người thân, khoản thứ hai để tận hưởng cuộc sống, khoản thứ ba để đầu tư, khoản thứ tư là bảo hiểm.

Bảo hiểm là gom tiền đều đặn đổ vào xã hội để xã hội lo cho mình lúc ốm yếu, già đau…Đầu tư để làm giàu. Tận hưởng cuộc sống để mà còn muốn làm việc, thấy mình không phải là cỗ máy được lập trình theo kịch bản tài chính nào đó.